Gần 5.000 ca đánh nhau nhập viện trong 9 ngày nghỉ tết là con số không còn xa lạ đối với người Việt mỗi khi tết đến xuân về. Bia rượu, cộng với chút bực bội, mệt mỏi do “chơi nhiều”, không ít người Việt đã hành xử hung hãn, cư xử thô bạo, côn đồ với chính bạn bè, người thân của mình.
Bia, rượu không kiểm soát
Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đăk Lăk đang tạm giữ hình sự nghi can Y Nguêc Mlô (26 tuổi, ngụ xã Ea H’đinh, huyện Cư M’gar) để điều tra về hành vi giết người. Theo thông tin bàn đầu, trước đó, trưa 6.2 (tức mùng 2 Tết), ông Y Dia Mlô (54 tuổi, bố vợ Y Nguêc) đi chúc tết và đã nhậu say. Về tới nhà, ông Y Dia dùng cây gậy đuổi đánh Y Nguêc nên vội vàng bỏ chạy. Sau đó, Y Nguêc đã quay lại dùng cây đánh 2 phát vào người bố vợ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Theo Công an xã Ea H’đing, ông Y Dia Mlô là người thường xuyên uống rượu say xỉn, đánh vợ con.
Còn ngay trước giờ giao thừa (21 giờ ngày 4.2), tại xóm Lâu, xã Tân Lập (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã xảy ra án mạng nghiêm trọng. Chị Bùi Thị Hương (SN 1996) cùng 2 em ruột tới nhà chồng là Bùi Văn Kiên (SN 1987) để đón 2 con trai của chị Hương về ngoại ăn tết. Tại đây, gia đình nhà Kiên không đồng ý cho 2 con nhỏ về ngoại nên đã xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Kiên đã xuống nhà bếp lấy 1 con dao truy sát 3 người. Hậu quả, chị Hương tử vong trên đường tới bệnh viện, 2 người còn lại trọng thương.
“Chiều 30 Tết, chị Hương cùng 2 em đến nhà chồng đón con về ngoại ăn tết nhưng không được nhà anh Kiên đồng ý nên xảy ra xung đột dẫn đến vụ án nghiêm trọng. Kiên là người bình thường, hiền lành, có thể ngày tết đã uống một vài chén rượu nên mới hành động như vậy…” – ông Bùi Văn Tuyến – Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho hay.
Theo báo cáo, trong 4 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi (mùng 1 – mùng 4 Tết) Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 528 cấp cứu, tai nạn, trong đó: 254 ca nhập viện và cấp cứu do tai nạn giao thông và 136 ca tai nạn sinh hoạt. Đáng lưu ý, trong các ca tai nạn sinh hoạt có có 22 ca tai nạn do đánh nhau vào cấp cứu.
Theo các bác sĩ, các ca tai nạn giao thông và đánh nhau hầu hết đều có liên quan đến bia rượu. Nhiều nạn nhân nhập viện trong tình trạng nồng nặc hơi men, bất tỉnh nhân sự không rõ vì chấn thương hay say rượu, làm ảnh hưởng đến chẩn đoán của bác sĩ.
Ngay trước giao thừa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vào kiểm tra công tác điều trị, khi hỏi thăm ngẫu nhiên hai bệnh nhân thì cả hai người đều vào viện do liên quan đến rượu bia: Một đánh nhau sau khi uống rượu bia, một bị tai nạn giao thông sau khi uống rượu bia.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: “Qua khảo sát của chúng tôi, bệnh nhân nhân chủ yếu là người trẻ, đi xe máy sau khi uống rượu bia. Bên cạnh đó cũng có nhiều người uống rượu bia xong đã cãi nhau, đánh nhau dẫn đến nhập viện”.
Đánh nhau vì lý do “ngớ ngẩn”
Bộ Y tế cho biết, trong 9 ngày nghỉ tết (tính từ sáng 28 tháng Chạp đến ngày mùng 6 Tết), đã có 5.300 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,7% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 58% trong số đó (3.095 ca) phải nhập viện điều trị/theo dõi và 15 trường hợp tử vong.
Kể từ ngày Bộ Y tế đưa vào thống kê nguyên nhân các vụ nhập viện thì số lượng các vụ đánh nhau trong dịp tết luôn đứng thứ 2, chỉ đứng sau tai nạn giao thông và không có chiều hướng giảm. Theo đó, nghỉ tết càng dài thì các vụ đánh nhau phải nhập viện khám và điều trị càng nhiều, trong đó luôn có hơn chục người tử vong.
Các nguyên nhân đánh nhau cũng rất đa dạng, có khi chỉ là mâu thuẫn rất nhỏ. Theo lời các bác sĩ, qua khai thác nhanh từ bệnh nhân hoặc người nhà, nhiều ca đánh nhau trên bàn nhậu, giữa người thân, bạn bè. Hoặc những người sau khi uống rượu, giữa đường va chạm với nhau hoặc chỉ cần “nhìn đểu” là lao vào thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.
Đưa con rể đi khám vào mùng 3 Tết, bà N.T.T (Hà Nội) cho biết, gia đình mấy đứa con bà tụ tập ăn cơm nhân ngày hóa vàng. Con trai bà và hai em rể ngồi uống rượu với nhau, bỗng nhiên bà nghe tiếng mắng chửi lớn, con trai bà chê con rể “chó chui gầm chạn”, con rể bảo con trai “bám váy mẹ”. Thế là hai bên lao vào đánh nhau, sẵn chai rượu, con trai phang thẳng lên đầu con rể, phải đưa đi cấp cứu. Cũng may anh này chỉ rách da đầu khâu hơn chục mũi.
Chị T.T.M (Hà Nam) cũng phải nhập viện vì gãy tay ngay 30 Tết. Chị cho biết, hai vợ chồng đi mua cây hoa về trang trí. Chị chỉ phàn nàn chồng mua đắt, cây lớn khó đặt trong nhà. Vậy là chồng chị bê cả cây ném vào chị, khiến chị ngã gãy tay.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ, hầu hết mọi người cho rằng, vào ngày tết gia đình sum họp, được nghỉ ngơi vui chơi thì sẽ hạnh phúc, thoải mái. Sự thật, vào dịp tết, các cuộc gọi xin tư vấn lại tăng lên đột biến, thậm chí “cháy máy” vào đêm giao thừa. Một người vợ hỏi rằng chồng bỏ đi từ 27 Tết đến sắp giao thừa chưa về, có nên ra công an trình báo là mất tích không? Vài ngày sau, chị gọi lại tâm sự, hóa ra anh ta “lạc” ở nhà một chị bỏ chồng, mê mải không về. Lại một anh trốn vợ con đi gói bánh chưng cho “cơ sở 2”, bị vợ theo dõi bắt quả tang tại trận làm ầm ỹ, gạo nếp bánh chưng tung tóe mà về còn đánh vợ giữa đêm giao thừa.
Có những người đàn ông vắng nhà nhiều ngày, nay trở về phải đối mặt với cảnh mâu thuẫn căng thẳng tích tụ giữa mẹ chồng – nàng dâu, chị dâu em chồng, rồi những lỗi lầm của con cái mà người vợ ở nhà không giải quyết được… Bị kẹt giữa hai gọng kìm, lắm anh uống rượu vào rồi quậy phá lung tung giữa ngày tết, đánh vợ con và người nhà.
“Những ngày nghỉ ngơi lại là thời cơ bộc lộ những mâu thuẫn tiềm ẩn trong hôn nhân mà ngày thường người ta che giấu được. Đặc biệt tết cũng là dịp chúng ta thường uống rượu và với sự kích thích của hơi men, những “khoảng trời riêng“ của mỗi người bị lộ ra. Có những bí mật giữ kín bấy lâu nhưng “tửu nhập ngôn xuất” vô tình lộ ra chỉ một vài chi tiết cũng đủ gây nên nghi ngờ, lục đục…” – ông Hòa nhận định.
Theo danviet.vn