Trước và sau Tết, không chỉ giáo viên, phụ huynh mà nhân dân xôn xao khi biết được thông tin tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh chi tiền tỷ tiếp khách.
Tại Hà Tĩnh, tiền Tết cho giáo viên, công nhân viên tại một số cơ sở giáo dục chỉ được vài trăm nghìn đồng/ người.
Cũng có trường tiết kiệm chi tiêu, dành dụm để dịp tết, xuân về mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhận được tiền triệu đã là một niềm an ủi cho giáo giới.
Trong khi đó, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, số tiền chi cho tiếp khách lên đến gần 4 tỷ đồng.
Một Hiệu trưởng trường trung học phổ thông (đề nghị không công khai danh tính) tròn xoe mắt: “Choáng! Dẫu là sự thật cũng không thể nào tin nổi. Tiếp khách gì mà kinh khủng thế không biết!”.
Việc chi tiêu tại Sở Giáo dục và Đào tạo lâu nay không ai hay biết gì.
Ngay cả Kết luận thanh tra số 10/KT-TT ngày 25 tháng 11 năm 2017 của Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh “Về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý tài chính- ngân sách, mua sắm trang thiết bị và quản lý đầu tư xây dựng tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh” vẫn không được công bố công khai để cán bộ, giáo viên, nhân viên được biết, được bàn và kiểm tra.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh có cổng thông tin http:// hatinh.edu.vn/, chúng tôi tra cứu tại Mục: Minh bạch thông tin, nhưng thông tin về Kết luận thanh tra tài chính từ năm 2014 đến 2016 không thấy.( !?)
Vì vậy, sau 13 tháng, khi biết được nguồn thông tin này, dư luận không khỏi sửng sốt, kinh ngạc!
Cụ thể, tại Biên bản xác nhận số liệu số 24/BB-ĐTT về: “Việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh” được lập ngày 19/9/2017 tại Thanh tra tỉnh giữa Đoàn thanh tra gồm ông Nguyễn Xuân Luật – Trưởng đoàn, ông Phan Quang Cương – Phó Trưởng đoàn và các thành viên:
Ông/Bà: Đào Thị Phương Thảo, Nguyễn Tiên Dũng, Nguyễn Thị Thùy Dương, Võ Quang Hưng, Từ Quốc Việt và Đại diện Văn phòng Sở Giáo dục – Đào tạo gồm: Ông Trần Trung Dũng – Giám đốc;
Chủ tài khoản; Ông Nguyễn Xuân Trường; Phó Giám đốc – Chủ tài khoản ủy quyền; Ông Phan Thanh Hải – Phụ trách Kế toán; Bà Nguyễn Thị Thùy An – Kế toán viên, ở mục a: Đối với nguồn kinh phí tự chủ (Loại 460 – Khoản 464), nội dung thứ 3 chi phí tiếp khách, kết luận thanh tra xác nhận:
“Tổng chi phí tiếp khách trong ba năm 3.814.413.550 đồng, qua kiểm tra hồ sơ, chứng từ thanh toán cho thấy, một số hóa đơn ghi bằng bút mực hoặc không ghi ngày; một số chứng từ thanh toán còn sơ sài, thiếu hồ sơ, thủ tục theo quy định”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kết quả thanh tra ba năm là các năm 2014, 2015 và 2016. Như vậy tiền tiếp khách trung bình mỗi tháng tại Sở Giáo dục và Đào tạo xấp xỉ 110 triệu đồng.
Đây chỉ là một khoản tiếp khách, còn các khoản chi khác như chi cho ô tô mà dư luận xôn xao, cũng là con số lớn.
Trong khi tại Sở Giáo dục“vung tiền” thì tại các cơ sở giáo dục nguồn chi rất hạn hẹp khiến cho các cơ sở giáo dục hết sức lúng túng, khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ năm học.
Cụ thể tại các trường trung học phổ thông, chi khác được cấp 18%, nhưng thực chất tại các trường định mức phân bố không đủ 18% theo quy định.
Cụ thể ở hạng mục thứ 2: Theo lớp, mục 2.4: Sửa chữa thường xuyên mỗi năm được chi trả 3,8 triệu đồng.
“Với số tiền này, may ra chỉ đủ vôi ve khai giảng năm học mới. Nếu lớp học xuống cấp, mua sắm trang thiết bị bàn ghế, không biết lấy đâu!”, một lãnh đạo trường trung học phổ thông than vãn.
Nghịch lý bi hài là tiền chi sửa chữa thường xuyên ở một lớp học trong một năm 365 ngày chỉ bằng tiền chi tiếp khách của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trong một ngày.
Sai trái không chỉ bội chi mà còn vi pháp pháp luật về lĩnh vực tài chính, thế mà điều kỳ lạ là không ai kiểm điểm, không ai chịu trách nhiệm về lĩnh vực này. Thậm chí, văn bản thanh tra của tỉnh cũng bị ém nhẹm.
Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền Hà Tĩnh vào cuộc, làm minh bạch hóa một số vấn đề trong đó có vấn đề tài chính ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh.
Được biết ngày 25/11/2017, Chánh thanh tra tỉnh đã có Kết luận về: Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí toàn ngành; Về mua sắm trang thiết bị; quản lý đầu tư xây dựng tại Sở Giáo dục cũng như tại các đơn vị trực thuộc từ năm 2014 đến 2016. Vấn đề nào cũng có những sai trái nghiêm trọng.
Không hiểu tại sao sai trái đã rõ mà sao không thấy xử lý, không quy kết trách nhiệm?