Hành trình biến Nike thành hãng giày đắt giá nhất thế giới

Từ chỗ nhập giày của Nhật về bán, Phil Knight và cộng sự xây dựng Nike thành hãng thời trang hàng đầu, chiếm 60% thị trường giày thể thao Mỹ.

Theo báo cáo của Brand Finance, năm 2018, Nike tiếp tục đánh bại H&M, Zara, Adidas, Hermès, Louis Vuitton… để giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng 50 thương hiệu may mặc hàng đầu thế giới. Năm 2017, doanh thu của hãng đạt 34 tỷ USD với hơn 52 văn phòng đại diện tại các quốc gia.

Thành công của thương hiệu gắn liền với sự đồng hành của nhà đồng sáng lập, cựu chủ tịch Phil Knight. Ông sở hữu khối tài sản 35,5 tỷ USD, xếp thứ 28 trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2018.

Phil Knight (80 tuổi) nhà đồng sáng lập, cựu chủ tịch Nike. Sau khi nghỉ hưu, ông dành thời gian cho các hoạt động xã hội và từ thiện. Năm 2016, ông đã quyên góp số tiền 500 triệu USD cho Đại học Oregon và 400 triệu USD cho Đại học Stanford. Ảnh: Business.
Phil Knight (80 tuổi) nhà đồng sáng lập, cựu chủ tịch Nike. Sau khi nghỉ hưu, ông dành thời gian cho các hoạt động xã hội và từ thiện. Năm 2016, ông đã quyên góp số tiền 500 triệu USD cho Đại học Oregon và 400 triệu USD cho Đại học Stanford. Ảnh: Business.

Ý tưởng táo bạo 

Phil Knight sinh ngày 24/2/1938 tại thành phố Portland, bang Oregon, nơi đặt trụ sở chính của Nike hiện nay. Ông tốt nghiệp cử nhân báo chí tại Đại học Oregon năm 1959. Sau một năm nhập ngũ, ông đăng ký học chương trình MBA tại Đại học Stanford. Ông nảy ra ý tưởng kinh doanh giày thể thao khi tham gia cuộc thi chạy Hayward Field tại Đại học Oregon.

“Quan sát huấn luyện viên Bill Bowerman, tôi thấy ông ấy đang xem xét những đôi giày của các vận động viên. Sở hữu một đôi giày tốt sẽ giúp vận động viên đạt thành tích tốt trong cuộc thi”, ông Phil Knight kể.

Ông sau đó đề xuất ý tưởng kinh doanh giày thể thao với Bill Bowerman và cả hai thành lập công ty Blue Ribbon Sports (BRS), tiền thân của Nike. Mỗi người góp 500 USD vốn ban đầu để kinh doanh.

Thời gian đầu, Blue Ribbon Sports không sản xuất giày mà nhập khẩu những đôi sneaker Onitsuka Tigers của Nhật và bán với giá cao hơn tại Mỹ. Những đôi sneaker Onitsuka Tigers được giới trẻ yêu thích, giúp công ty ăn nên làm ra, doanh thu tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, Blue Ribbon Sports gặp khó khăn khi nguồn hàng từ Nhật đến Mỹ thường xuyên bị chậm trễ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tài chính của công ty. Các ngân hàng cũng từ chối yêu cầu vay vốn và Blue Ribbon Sports không đạt được thỏa thuận phân phối độc quyền mẫu giày trên.

Trước khó khăn này, hai nhà đồng sáng lập cùng 45 nhân viên phải tìm giải pháp mới cho công ty nếu không muốn bị phá sản. Phil Knight quyết định tự sản xuất giày thay vì nhập khẩu. Bill Bowerman thiết kế mẫu giày mới với đế cao su bền, nhẹ, đẹp và trở thành dấu ấn riêng của thương hiệu. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, họ lựa chọn gia công sản phẩm tại các quốc gia châu Á.

Công ty chính thức đổi tên thành Nike năm 1971, lần đầu ra mắt công chúng mẫu giày mới. Hai nhà đồng sáng lập Phil Knight và Bill Bowerman tập trung sản xuất những mẫu giày chất lượng biến Nike trở thành lựa chọn hàng đầu của các vận động viên chuyên nghiệp.

Một năm sau, công ty gây tiếng vang lớn trong ngành công nghiệp thời trang thế giới khi ra mắt dòng Nike Cortez nhân sự kiện Olympic 1972 diễn ra ở thành phố Munich, Đức. Phil Knight cho rằng những đôi giày thể thao không chỉ giúp vận động viên đạt kết quả cao mà còn kết hợp với thời trang tạo nên dấu ấn riêng của mỗi người. Những đôi Nike Cortez có màu sắc trẻ trung và năng động trở thành hiện tượng thời trang tại kỳ Olympic 1972.

Nike tăng trưởng nhanh chóng, doanh thu của hãng nhảy vọt từ 28,7 triệu USD năm 1973 lên 867 triệu USD năm 1983. Tháng 12/1980, Phil Knight quyết định đưa công ty lên sàn chứng khoán.

“Lúc đó, tất cả chúng tôi đều lo lắng mất đi quyền kiểm soát nhưng giờ nhìn lại, tôi biết đó là điều đúng đắn nhất từng làm”, ông nói.

Năm 1982, Nike tiếp tục tung ra thị trường mẫu Air Force có túi khí ở gót chân, hỗ trợ các vận động viên bóng rổ. Mẫu giày chuyên dụng này không lâu sau trở thành đôi sneaker được ưa chuộng nhất. Đến nay, hàng triệu đôi Air Force vẫn được bán ra mỗi năm và đem đến cho hãng doanh thu hàng trăm triệu USD.

Huyền thoại bóng rổ Michael Jordan được Nike chọn làm đại diện thương hiệu cho hãng năm 1985. Ảnh: Nike.
Huyền thoại bóng rổ Michael Jordan được Nike chọn làm đại diện thương hiệu cho hãng năm 1985. Ảnh: Nike.

Chiến dịch marketing hiệu quả 

Năm 1984, Phil Knight thực hiện chiến dịch marketing thành công nhất trong lịch sử kinh doanh của Nike khi thuyết phục vận động viên bóng rổ huyền thoại Michael Jordan làm đại diện thương hiệu. Phil Knight sẵn sàng chi 500.000 USD/năm cho bản hợp đồng trị giá 5 năm với Jodan, một con số chưa từng có lúc đó.

Mẫu giày Air Jordan có mặt ở các kệ hàng của Nike tháng 3/1985 với giá 65 USD một đôi. Chỉ trong hai tháng, Nike thu về 70 triệu USD tiền bán sản phẩm này.

Tuy nhiên, doanh thu Nike bắt đầu giảm vào cuối thập niên 80. Phil Knight nhận ra đối tượng của Nike hướng đến là các vận động viên, trong khi khách hàng chủ yếu vẫn là những người dân bình thường.

“Người dân bình thường không sử dụng các đôi giày thể thao trong các hoạt động hàng ngày. Điều chúng tôi cần là phải tiếp thị sản phẩm và làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Các yếu tố về thiết kế và tính năng sản phẩm là điều quan trọng”, ông giải thích.

Cuối năm 1991, doanh thu của Nike đạt mốc 3 tỷ USD, trở thành hãng giày kinh doanh hiệu quả nhất phố Wall. Hiện Nike chiếm 60% thị trường giày thể thao Mỹ.

Năm 2016, sau 51 năm xây dựng và đưa Nike trở thành thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới, Phil Knight tuyên bố nghỉ hưu và rút khỏi vị trí chủ tịch hãng. Trải lòng về “đứa con tinh thần”, ông tự hào: “Qua nhiều thập kỷ, nó vẫn mãi là điều kỳ diệu đến hôm nay”.

Sơn Nam
Theo CNBC

Để lại một bình luận