Từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện, VEC đang lạm quyền?

Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định từ chối phục vụ phương tiện trên cao tốc

Việc Giám đốc VEC E ông Nguyễn Viết Tân thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện mang BKS: 51A-55850 và 51G-77256 trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý đang khiến người tham gia giao thông bức xúc. Đường cao tốc là tài sản của Nhà nước và chưa có quy định nào cấm người dân không được tham gia giao thông trên tài sản của nhà nước, vậy VEC dựa vào đâu để cấm 2 phương tiện này?

Theo thông tin tra cứu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả 2 xe là ôtô 7 chỗ, không hoạt động kinh doanh vận tải. Chủ chiếc xe ôtô BKS: 51G-77256, đăng ký ngày 16.1.2019 tên là Lê Hoàng Ph. (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM); Chiếc xe ôtô BKS: 51A-55850, đăng ký ngày 16.4.2014, chủ xe là ông Hoàng Trọng Th. (ngụ quận 12, TP HCM).

Lý do được ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), đơn vị trực thuộc Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đưa ra 2 phương tiện trên bị từ chối phục vụ trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý là vì đã có hành vi gây cản trở, rối loạn trên tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định từ chối phục vụ phương tiện trên cao tốc
Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định từ chối phục vụ phương tiện trên cao tốc

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, tất cả các thông tư về thu phí dịch vụ đường bộ và luật giao thông đường bộ,… chưa có quy định nào cho phép chủ đầu tư tuyến đường cao tốc từ chối phục vụ các phương tiện tham gia giao thông, chỉ có duy nhất luật Hàng không là có quy định cấm bay”.

“Đối với máy bay khác với đường cao tốc, bởi vì máy bay là tài sản của doanh nghiệp nên có thể cấm bay hành khách, nhưng không thể cấm hành khách đến Cảng Hàng không vì Cảng Hàng không là tài sản của nhà nước. Ngược lại, đường cao tốc là tài sản của nhà nước nên chủ đầu tư không có quyền từ chối phục vụ các phương tiện vì chủ đầu tư chỉ là đơn vị làm dịch vụ thay nhà nước”, Luật sư Trương Anh Tú nhận định.

Theo Điều 23 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rất rõ ràng “Công dân có quyền tự do đi lại”. Không một cá nhân nào hay tổ chức nào được phép đứng trên Hiến pháp và Pháp luật.

Bởi vậy, cứ theo khẳng định của VEC hai xe biển số 51A-55850 và 51G-77256 có hành vi cản trở giao thông, thì VEC, với vai trò là một doanh nghiệp quản lý khai thác đường giao thông BOT chỉ có thẩm quyền thông báo sự việc đến với các cơ quan chức năng.

Ngay cả các cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền xử lý sự việc cũng chỉ được xử lý vi phạm hành chính (nếu chứng minh được vi phạm theo quy định pháp luật), chứ không được quyền cấm vĩnh viễn hai phương tiện trên lưu thông, khi hai phương tiện ấy đáp ứng đầy đủ điều kiện lưu thông. Việc cấm hai phương tiện lưu thông trên các tuyến đường VEC khai thác thực chất đã gián tiếp tước quyền tự do đi lại của chủ phương tiện.

Trước đó, vào lúc 18h20’ ngày 10.2, chiếc xe BKS 51A-55850 di chuyển vào làn thu phí số 7, hướng từ Long Thành về TP HCM, khi đến cabin thu phí, mặc dù đã nhận được tín hiệu từ nhân viên thu phí nhưng người điều khiển phương tiện không trả thẻ thu phí và tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí, đồng thời để nhiều người già, phụ nữ và trẻ em xuống xe, cố tình gây rối tại làn thu phí và lôi kéo các phương tiện ở các làn khác gây ách tắc giao thông.

Tiếp sau đó, có thêm chiếc xe BKS: 51C-78196 đã có các hành vi tương tự tại làn 10, xe 51G-77256 tại làn 8. Mặc dù, nhân viên tại trạm thu phí đã giải thích về một số sự cố đang xảy ra trên tuyến dẫn đến việc lưu thông chậm trên tuyến và mời những người trên các phương tiện này vào trong khu văn phòng của trạm để giải thích cụ thể tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác.

Tuy nhiên, những người trên các xe này đã không chịu hợp tác còn có hành động phá hoại tài sản, có hành vi đe dọa đánh đuổi nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực.

VEC E khẳng định, việc ùn ứ từ Km18 đến cầu Long Thành tại Km12 hướng Long Thành về TP.HCM trong ngày 10.2 hoàn toàn từ các sự cố khách quan, không phải do việc chậm trễ trong hoạt động thu phí gây ùn tắc tại trạm thu phí, nên các yêu cầu liên quan đến việc xả trạm là không hợp lý và không đúng quy định hiện hành.

Theo danviet.vn

Để lại một bình luận