Đóng xưởng, treo tài khoản, đau đớn nhìn giá cứ giảm dần đều, các anh tài từng một bước thành tỷ phú đang đón một mùa Tết đau thương. Đó là thực trạng của những tay chơi tham gia vào thị trường tiền mã hóa.
Đau đớn nhìn tài khoản bốc hơi
Trái với sự sôi động trong tháng 1 năm ngoái, năm nay là cái Tết buồn đối với những nhà đầu tư trót đặt niềm tin và mở hầu bao đối với các loại tiền mã hóa. Đóng xưởng đào, treo tài khoản, đau đớn nhìn giá cứ giảm dần đều, các nhà đầu tư tiền mã hóa đã có một năm sóng gió khi tổng giá trị vốn hóa các loại tài sản tiền ảo đã “bốc hơi” hơn 715 tỷ USD.
Ở thời kỳ đỉnh điểm, giá trị của 10 đồng Bitcoin có thể mua được một căn hộ cao cấp ở Việt Nam, nhưng bây giờ chưa đủ mua được chiếc xe hơi 4 chỗ hạng B.
Tại Việt Nam, có nhiều “tay chơi” tham gia vào thị trường tiền mã hóa, cả chuyên nghiệp hay chỉ tò mò. Cách đơn giản nhất là bỏ tiền vào các chương trình phát hành tiền mã hóa lần đầu ra công chúng (ICO), hoặc lập xưởng “đào”, tạo tài khoản để mua bán chênh lệch giá y như đầu tư chứng khoán và các cặp tiền tệ trong thị trường biến động liên tục 24/24.
Tuy nhiên, tính đến nay, các hình thức đầu tư đều “đứng hình” vì giá tiền mã hóa xuống với mức “không thể tưởng”. Như anh N.T.P, một nhà đầu tư ở TP.HCM, cho biết đã “cắt điện” xưởng đào Bitcoin ở thành phố Buôn Ma Thuột trong mấy tháng trở lại đây, chủ yếu là vì giá bán không đủ bù đắp tiền điện hàng tháng.
Tình trạng này phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Một ước tính của JP Morgan Chase & Co mới đây cho biết, chi phí bình quân để sản xuất 1 đồng Bitcoin trên toàn cầu ước khoảng 4.060 USD, trong khi thực tế mức giá giao dịch hiện nay là dưới 3.600 USD/đồng. Một số xưởng đào ở Trung Quốc có lợi thế về giá điện (chi phí lớn nhất) vẫn còn hoạt động cầm cự, số còn lại hầu hết đã “tắt điện”.
Kênh mua bán kiếm chênh lệch giá trên sàn chứng khoán cũng chẳng khá khẩm hơn. Với mức giá giảm dần từ đầu năm ngoái đến tận ngày nay, trên các diễn đàn tiền ảo lúc nào cũng tràn ngập tiếng khóc “xót thương” vì trót “mua đỉnh, bán đáy”.
Nhiều nhà đầu tư lắc đầu ngao ngán, chẳng muốn nhắc lại giá trị tài sản của mình sau một năm ảm đạm. Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính, cho rằng, chỉ có một số nhà đầu tư thoát hẳn khỏi thị trường vào hồi đầu năm, hoặc phải bán khống (short) liên tục trong thời gian qua thì may ra mới có lời.
Một hình thức đầu tư gây chú ý ở Việt Nam nữa là các thương vụ ICO, phần lớn là đa cấp biến tướng, càng làm mất thêm lòng tin đối với các loại tiền mã hóa. Không có con số thống kê chính thức, nhưng nhiều chuyên gia đã khẳng định có đến 99,9% các vụ huy động vốn để kêu gọi đầu tư tiền mã hóa đều là dự án “bánh vẽ”, kể cả trên thế giới.
Ở thời điểm thịnh vượng, có những nhà đầu tư chuyên nghiệp, rót vốn từ trăm triệu tới cả tiền tỷ vào nhiều loại tiền ảo khác nhau, xác định cùng “sống chết”, và cũng không hiếm người bỏ thêm vài chục triệu để thử vận may. Giờ có người thậm chí còn không thể nhớ nổi mật khẩu tài khoản của họ, cũng chẳng còn ai nhắc lại cụm từ “tiền ảo” nữa.
Thống kê phi chính thức của một chuyên gia cho thấy, số lượng tài khoản tiền ảo giao dịch ở thời kỳ đỉnh cao khoảng gấp 5 lần số tài khoản công ty chứng khoán, tức gần 11 triệu tài khoản. Tất nhiên, một người trong số này có thể sở hữu nhiều tài khoản khác nhau, vì đặc thù mỗi sàn giao dịch có chế độ khác nhau (phí giao dịch, rút tiền và các đồng tiền mã hóa riêng có).
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, không chỉ ở Việt Nam mà người dân các nước khác cũng đầu tư nhiều vào loại tài sản “kỳ lạ” này. Tờ The Economist dẫn lại một khảo sát cho thấy có khoảng 5% dân số Mỹ nắm giữ các loại đồng tiền mã hóa. “Một con số không hề thấp với một loại sản phẩm tài chính mới chỉ có 10 năm tuổi đời”, tờ này nhận định.
Tương lai bất định
Tiền mã hóa từng có thời kỳ thu hút không chỉ giới công nghệ mà còn có dân tài chính và cả “thường dân”, nay gần như mất hút. Giá trị vốn hóa của các loại đồng tiền vào thời điểm tháng 1 năm ngoái là khoảng gần 830 tỷ USD, nhưng năm nay chỉ còn lại 120 tỷ USD.
Theo Jan Van Eck, CEO của Van Eck Associates, các nhà đầu tư đã và đang chuyển từ Bitcoin sang vàng. Khảo sát 4.000 nhà đầu tư Bitcoin của tổ chức đã tạo ra quỹ giao dịch vàng ETF nổi tiếng nhất thế giới, cho thấy khoản đầu tư số một trong năm 2019 là vàng, CNBC mới đây dẫn lại.
Trên thực tế, có thể thấy dòng tiền nhà đầu tư cá nhân không còn đổ vào nhiều như xưa. Nhiều nhà đầu tư “treo” tài khoản càng khiến dòng tiền mới không còn nữa. Ở thời kỳ cao điểm vào tháng 1 năm ngoái, khối lượng giao dịch có thể lên đến hơn 67 tỷ USD mỗi ngày, nhưng giờ chỉ quanh mức 15 tỷ USD, theo Coinmarketcap.com.
Dòng tiền đầu tư giảm có nhiều lý do, một trong số đó là vì các đồng tiền mã hóa từ công nghệ blockchain vẫn chưa thực sự đột phá trong ứng dụng thực tế, chưa được quy định bởi cơ quan có thẩm quyền, và đặc biệt là có quá nhiều đồng tiền “rác” khiến nhà đầu tư bội thực. Theo ông Phan Dũng Khánh, khi giao dịch với các sàn chưa được kiểm chứng và quản lý bởi cơ quan thẩm quyền thì nhà đầu tư chịu rất nhiều rủi ro.
Trên thực tế, hầu hết giới đầu tư tài chính (mua bán kiếm chênh lệch giá) còn lại đang “bám” sàn đều hiểu rủi ro lớn nhất của họ là mất hết vốn.
Cho đến nay, tương lai tiền mã hóa vẫn còn bất định. Tiền mã hóa từ trước đến này “sống” bằng niềm tin. Cứ tin tích cực thì giá tăng, ngược lại thì giá giảm. Năm ngoái, Bitcoin “bay” lên đến gần 20.000 USD/đồng nhờ thông tin được niêm yết là loại hàng hóa tương lai trên CME và CBOE (hai sàn giao dịch thuộc tốp đầu của Mỹ), nhưng nay ước vọng thành lập quỹ đầu tư ETF theo Bitcoin ngày càng xa vời hơn.
“Thị trường tiền mã hóa còn lên được hay không thì khó nói. Các đồng tiền sẽ phụ thuộc vào thông tin tích cực”, anh N.T.P. nhận định. Một bình luận trên diễn đàn tiền mã hóa thì hài hước hơn: “Ai theo tiền ảo chỉ chờ phép màu nào đó kéo giá lên thì Bitcoin mới sống lại được”.
(Theo Hoàng Hiệp Vietnamnet)