Việc thả cá chép sau khi cúng ông Công, ông Táo không đúng cách sẽ làm mất đi ý nghĩa phóng sinh.
Theo các chuyên gia văn hóa, trong ngày cúng ông Công ông táo các gia đình có thể dùng cá chép thật hoặc cá giấy đều được. Tuy nhiên, với các gia đình có điều kiện nên dùng cá chép thật để làm lễ sau đó thả phóng sinh. Hành động này vừa mang ý nghĩa “đưa ông Táo bay về trời” theo phong tục dân gian vừa hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Mặc dù không có quy chuẩn về phóng sinh, nhưng các nhà sư đều cho rằng, phóng sinh là khơi lòng hiếu sinh, thương yêu của con người, cần phát xuất từ lòng từ bi, vì sự sống của cá. Vì vậy nên tránh việc cá bị chết trước khi được phóng sinh.
Sư thầy Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho hay, phóng sinh cá trước hết phải xuất phát từ lòng từ bi, bằng cái tâm. Tâm thái khi đi khi đi phóng sinh cá cần vui vẻ, thoải mái, luôn tâm niệm phóng sinh cá là việc thiện lành, phúc đức. Nhiều người phải coi ngày giờ tốt xấu, chờ khi có lễ lớn thả cá để mong nhiều phúc đức – đó là mê tín. Phóng sanh là việc làm từ tâm, nên khi thấy cá là tâm phát khởi muốn phóng sinh. Nhưng trước khi thả cá, cần tìm hiểu về môi trường thả cá, kẻo vô tình làm cá chết.
Khi thả cá chép phải thả từ từ, nhẹ nhàng xuống ở nhiều nơi, không tập trung một chỗ, để tránh những va chạm mạnh có thể làm cá chết; không nên cầm cả xô đổ cá; không nên để cá nguyên trong túi nilon rồi ném xuống nước…
Sau khi thả cá nên lưu lại một chút xem cá đã bơi khuất đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt, hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị xô dạt lại vào bờ.
Theo Tú Uyên (Báo Giao thông)