Ba giai đoạn phát triển của con trai phụ huynh cần lưu ý

Ảnh: Depositphotos

Giai đoạn 0-6 tuổi, bé trai cần được ôm ấp, vỗ về nhiều như bé gái và có xu hướng xem bố là hình mẫu để noi theo.

Con trai có quá trình phát triển khác biệt so với con gái. Dưới đây là ba giai đoạn phát triển chính của con trai theo ý kiến của chuyên gia, được Bright Side tổng hợp nhằm giúp phụ huynh nắm bắt được tâm lý trẻ, từ đó áp dụng phương pháp nuôi dạy thích hợp.

Giai đoạn 1: Từ sơ sinh đến 6 tuổi

Dù thuộc giới tính nào, trẻ nhỏ đều muốn được bố mẹ chơi cùng, chuyện trò và ôm ấp. Về cơ bản, chúng muốn được bố mẹ chú ý. Khi lớn lên một chút, bé trai khám phá thế giới xung quanh thông qua nhiều hoạt động và rất cần phụ huynh ở bên giúp đỡ.

Ảnh: Depositphotos
Ảnh: Depositphotos

Nghiên cứu của nhà tâm lý học xã hội Erich Fromm chỉ ra vai trò quan trọng của bố mẹ trong giai đoạn phát triển sớm của bé trai. Dưới đây là những điều ông lưu ý:

Nếu một người mẹ bị trầm cảm, đứa trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi tình yêu cuộc sống được truyền từ mẹ sang con.

Bé trai cần được cả bố lẫn mẹ quan tâm, trong đó mẹ thường đóng vai trò chăm sóc và gần gũi nhiều hơn. Nhờ tình yêu thương của mẹ, đứa trẻ sẽ xây dựng được sự tự tin.

Bố thường có uy quyền hơn trong giai đoạn phát triển này, là hình mẫu mà trẻ muốn trở thành. Do đó, trẻ sẽ học cả tính tốt lẫn tính xấu từ người bố.

Mẹ luôn yêu thương con vô điều kiện, còn tình yêu thương của bố lại có chút khác biệt, chỉ biểu hiện khi con hành động tốt và cư xử đúng mực. Đây là cách giúp đứa trẻ học về đạo đức và các quy tắc cơ bản. Nếu mất đi sự cân bằng này, cậu bé có thể trở thành người ích kỷ, chỉ yêu bản thân, không có sự đồng cảm với người khác.

Bắt đầu từ 2 tuổi, người mẹ cần thiết lập ranh giới trong mối quan hệ với con trai để tránh những vấn đề phức tạp do giới tính khác biệt.

Giai đoạn 2: Từ 6 đến 13 tuổi

Đây là độ tuổi các cậu bé nhận thức rõ ràng về giới tính và tham gia vào những hoạt động liên quan. Tiến sĩ, nhà tâm lý học Peggy Drexler xem những điểm sau đây là quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con trai ở độ tuổi này:

Đừng cố ngăn cản con chơi những trò nghịch ngợm, thể hiện sự hiếu chiến, thay vì thế cần đối mặt với thực tế rằng đó là sở thích của con. Phụ huynh nên đề cao sự nam tính của con thông qua việc khuyến khích tính độc lập và phiêu lưu. Nếu một đứa trẻ muốn nghịch súng đồ chơi hay video game bạo lực, nó sẽ tìm cách để chơi cho bằng được, dù bị bố mẹ cấm.

Hãy để trẻ bộc lộ cá tính riêng, bởi không có định nghĩa chính xác về “con trai”. Sự nam tính thể hiện qua nhiều cách, và tất nhiên việc yêu thích các hoạt động nữ tính cũng nên được tôn trọng.

Ảnh: Depositphotos
Ảnh: Depositphotos

Khuyến khích con trai tham gia nhiều hoạt động khác nhau, thay vì mong muốn con có sở thích giống bố mẹ. Cuộc sống của đứa trẻ sẽ trở nên phong phú và nó sẽ có thêm nhiều lựa chọn.

Đừng đặt ra nhiều kỳ vọng dựa trên giới tính. Những cậu bé không bị bó buộc trong nhiều trách nhiệm về giới tính sẽ độc lập, cởi mở và khoan dung hơn so với bạn bè.

Hãy dạy trẻ cách đối phó với những lời chỉ trích, cách tự bảo vệ mình mà không cần tỏ ra quá hung hăng.

Giai đoạn 3: 14 tuổi trở lên

Đây là giai đoạn con trai bé bỏng của bạn trở thành thanh thiếu niên. Nội tiết tố thay đổi sẽ khiến các chàng trai dễ tức giận và có phần dữ dằn hơn trước. Giải pháp dành cho phụ huynh là cố gắng “lái” nguồn năng lượng này vào đúng hướng.

Bên cạnh đó, bạn cần dạy con trai chịu trách nhiệm với hành động của mình. Trách nhiệm là điều cần học hỏi, không tự nhiên mà có. Theo nhà tâm lý học Steven Stosny, phụ huynh hãy giúp con hiểu được một sự thật quan trọng là quyền lợi và trách nhiệm luôn song hành và ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu quyền lợi cao thì trách nhiệm cũng cao.

Ảnh: Depositphotos
Ảnh: Depositphotos

Con bạn cần được trao cơ hội thiết lập cá tính và bản sắc của riêng mình. David Elkind, giáo sư chuyên về phát triển trẻ em nghĩ rằng phụ huynh nên để con độc lập hơn trước, trừ khi thấy con chơi cùng nhóm bạn xấu.

Để định hướng hành vi tốt cho con, ngay từ đầu, bố mẹ phải đặt ra các quy tắc, việc được phép và không được phép làm, hình phạt nếu vi phạm. Nếu không, bạn sẽ rất khó giải thích với con.

Điều quan trọng nhất phụ huynh cần lưu ý là hãy trở thành tấm gương để con noi theo. Nếu chỉ bảo con một đằng nhưng lại hành vi của bạn lại thể hiện một nẻo, bạn sẽ thất bại trong việc nuôi dạy con.

Thùy Linh vietnamnet

Để lại một bình luận