Hai mươi năm nay, 24 hộ dân thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên “di cư” theo diện giãn dân vào lòng hồ thuộc khu vực Khe Lau khai hoang sản xuất. Ban đầu nơi đây là vùng đất hoang, nay trở nên trù phú thuận tiện cho việc trồng lúa, hoa màu, phát triển kinh tế. Những tưởng cuộc sống của các hộ dân sẽ bình yên, được cải thiện nhưng nay họ đang rơi vào tình cảnh “đi không được, ở chẳng xong”.
Đập nâng, dân mất đất sản xuất
Tháng 4/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng dự án sửa chữa nâng cấp đập Khe Lau với tổng mức đầu tư gần 24 tỉ đồng (do diện tích hồ cũ không đáp ứng được nhu cầu tích nước). Đến tháng 5/2018, dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo quyết định phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình sửa chữa, nâng cấp thì phần hồ chứa Khe Lau có diện tích lưu vực 2,68km2; cao trình mực nước chết (+9,80m); cao trình mực nước dâng bình thường (+13,05)m; cao trình mực nước dâng gia cường (+14,05)m; cao trình đinh tường chắn sóng (+16,60)m, cao trình đỉnh đập (+15,80)m. Dung tích hồ chứa khoảng 623.000m3, đây là công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho hơn 100ha đất nông nghiệp vùng phía đông huyện Cẩm Xuyên.
Sau khi sửa chữa, nâng cấp cao trình tích nước tăng thêm 60cm đã gây ngập úng cục bộ, hàng chục hộ dân ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên. Từ một nơi an toàn, tách biệt với dân cư đông đúc thì nay lòng hồ đã biến thành một “cái bẫy” nước dâng ngập, gây nguy hiểm cho người dân bất cứ lúc nào. Hiện, hàng chục ha đất nông nghiệp cho thu nhập cao nay bị nước nhấn chìm, mất trắng nên 24 hộ dân nơi đây đang kêu cứu lên chính quyền các cấp.
Điều lạ là khi nâng cấp sửa chữa đập Khe Lau, các đơn vị liên quan đã “bỏ quên” 24 hộ dân đang sinh sống ở trong hồ (7 hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất lâm nghiệp, 7 hộ thuộc diện giãn dân theo chính sách của Nhà nước và 10 hộ không có giấy tờ) nên đã không có phương án đền bù cho dân khi nâng trình tích nước gây thiệt hại nghiêm trọng.
Hiện nay, nước đã gây ngập úng chuồng trại chăn nuôi và đất trồng lúa, trồng keo, chè xanh và cây ăn quả… của các hộ sống trong khu vực lòng hồ đập.
Bà Trần Thị Tần (61 tuổi), ngụ thôn 2, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Từ 20 năm trước, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân đến khu vực này khai hoang lập nghiệp theo quyết định giãn dân của UBND huyện Cẩm Xuyên. Cuộc sống tuy tách biệt với dân cư đông đúc nhưng đổi lại đây là khu vực an toàn, đất đai màu mỡ, dễ canh tác nên đời sống ổn định, nhiều người theo chân chúng tôi vào đây sinh sống, phát triển kinh tế. Nhưng từ ngày đập được nâng cấp, nước trong lòng đập dâng cao… Gia đình tôi hiện có 1,7ha đất trồng cây chè, cây ăn quả và lúa. Từ khi nâng đập đã bị ngập 3 sào lúa, toàn bộ diện tích trồng cây chè và cây ăn quả cũng bị ngập coi như mất trắng. Tài sản đã mất, tính mạng cũng nơm nớp từng ngày”.
Còn gia đình ông Trần Xuân Minh (SN 1946) cũng không khỏi lo lắng bởi tuổi già sức yếu lỡ mưa bão, nước dâng cao thì không biết xoay sở thế nào: “Vợ chồng tôi vào đây khai hoang từ năm 1979, hiện nay đã khai hoang được 2ha đất canh tác. Từ khi đập Khe Lau nâng cấp, gần 1ha đất trồng lúa và đất trồng cây ăn quả bị ngập, bây giờ đất sản xuất không còn, đất ở trong làng bên ngoài đập cũng không có nên chẳng biết đi đâu…”.
Chưa có phương án đền bù
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, việc thân đập Khe Lau được nâng cao hơn so với cốt cũ 60cm nên khi tích nước gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ dân sống trong lòng đập.
Theo thống kê, nước đập dâng khiến 8 chuồng trại chăn nuôi bị ngập, 4 hồ nuôi cá quảng canh với diện tích hơn 3.300m2, 239 cây ăn quả các loại, hơn 14.000 gốc chè xanh, gần 2.000 cây lim 4 năm tuổi, 17.000 cây keo, tràm 4 năm tuổi trở lên, gần 2.000 cây dứa, riềng, chuối… bị ngập úng.
“Dự án nâng cấp đập Khe Lau do UBND huyện làm chủ đầu tư, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc nước đập dâng gây ngập úng cục bộ chúng tôi đã gửi văn bản kiến nghị có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người dân, nhưng vì ngân sách chưa có nên buộc phải chờ”, ông Tùng cho biết.
Theo phản ánh của người dân, khi thi công nâng cấp đập Khe Lau, người dân đã nhiều lần ra phản đối vì không thấy kiểm kê chỉ đến khi hàng chục hecta đất trồng lúa, hoa màu của người dân bị nhấn chìm trong biển nước, thiệt hại hàng trăm triệu đồng; người dân đi gõ cửa kêu than với chính quyền xã, huyện thì mới bắt đầu vào kiểm kê thiệt hại nhưng cho đến nay vẫn chưa có quyết định đền bù.
Việc sửa chữa, xây dựng, nâng cấp đập Khe Lau được nhân dân xã Cẩm Lĩnh hoàn toàn ủng hộ vì lợi ích lâu dài, tuy nhiên việc khảo sát, thiết kế và thi công đã không có sự chuẩn bị việc di dời, đền bù cho người dân sống trong lòng hồ, đẩy người dân vào cảnh “đi không được, ở chẳng xong”. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp cần phối hợp để sớm giải quyết cho người dân để họ an tâm sinh sống.
Tác giả: Hải Yến
Nguồn tin: Báo Thanh tra