Tuyến Metro Số 1 không còn thiếu vốn, công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng cũng được khởi động lại trong tháng hai.
Ngày 4/1, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong năm nay, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tỏ ra lạc quan vì một số vấn đề mấu chốt của thành phố sẽ được giải quyết.
Việc dự án Metro Số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) liên tục thiếu vốn, bị các đối tác nước ngoài cảnh báo, đã được Bộ Chính trị thông qua chủ trương tăng tổng mức đầu tư. Chính phủ sẽ phối hợp cùng thành phố tiếp tục triển khai dự án.
“Đây là quyết định rất có ý nghĩa đối với thành phố. Việc giải ngân cho dự án này sẽ không còn trở ngại”, ông Nhân nói và khẳng định ngay trong tháng 1 thành phố sẽ làm việc với trung ương để đẩy mạnh tiến độ.
Metro Số 1 đã thực hiện được 61% khối lượng công việc, thành phố cũng đang triển khai dự án tuyến Metro Số 2 (Bến Thành – Tham Lương). Thành phố thực hiện tốt, đến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành tuyến Metro Số 1 như kế hoạch, sẽ tạo đột phá rất quan trọng.
“Chúng tôi đã bàn trong cấp ủy, với khó khăn này thì phải điều tướng ra trận. Hy vọng anh Bùi Xuân Cường (tân Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị) sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao, hoàn thành tuyến Metro Số 1 đúng tiến độ”, người đứng đầu Thành uỷ nói và đề nghị các đại biểu dành một tràng vỗ tay để động viên ông Cường.
Dự án Giải quyết ngập do triều
Về công trình trọng điểm khác của thành phố – Dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giải đoạn 1) cũng được tái khởi động trong tháng hai, sau hơn nửa năm bị đình trệ.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, năm 2018 dù kinh tế – xã hội thành phố có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế như: môi trường đầu tư gặp nhiều cạnh tranh trong và ngoài nước; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Việc tăng dân số cơ học quá nhanh (bình quân hơn 200.000 người mỗi năm) tiếp tục là thách thức cho chính quyền thành phố; hạ tầng đô thị không kịp đáp ứng nhu cầu; các thiết chế văn hóa – xã hội, vui chơi giải trí còn thiếu so với nhu cầu thực tế của người dân…
Từ đó, ông Phong yêu cầu các sở ngành xây dựng ngay kế hoạch để sớm thực hiện các nội dung Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho thành phố…
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết, quá trình rà soát việc sử dụng mặt bằng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước, Sở đã đề nghị huỷ bỏ 300 quyết định, công văn chỉ định bán cho các tổ chức, cá nhân và đưa vào bán đấu giá theo quy định.
“Sở sẽ tiếp tục rà soát nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng lãng phí để thu hồi, tổ chức bán đấu giá lại”, bà Thắng nói. Cơ quan này cũng tham mưu UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cho cơ chế phối hợp với các bộ ngành trong việc sắp xếp, xử lý nhà đất công do trung ương quản lý trên địa bàn.
(Theo Vnexpress)