Huawei và lệnh cấm của Mỹ
Huawei khởi đầu năm 2019 với vị thế là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới và đang trên đà soán ngôi vương của Samsung. Tuy nhiên, biến cố ập tới vào ngày 15/5 khi Mỹ ban hành lệnh cấm sử dụng thiết bị của Huawei tại các nhà mạng Mỹ, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp trong nước không hợp tác với hãng Trung Quốc, do lo ngại thiết bị của Huawei có thể được chính quyền Bắc Kinh sử dụng để gián điệp. Chỉ bốn ngày sau lệnh cấm, Google là hãng công nghệ đầu tiên tại Mỹ “ra đòn”, rút giấy phép sử dụng Android của Huawei. Bộ đôi Mate 30 và Mate 30 Pro là những smartphone cao cấp đầu tiên của hãng Trung Quốc không được cài sẵn các ứng dụng và dịch vụ Google. Liên tiếp sau đó, các công ty như Intel, Qualcomm và Broadcom cũng dừng cung cấp chip cho Huawei trong khi hoạt động nghiên cứu của công ty Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì nhiều trường đại học ở Mỹ ngừng hợp tác, để tuân thủ lệnh cấm.
Huawei dự đoán được lệnh cấm nên đã có “kế hoạch B” với việc tích trữ chip, xây dựng hệ điều hành và chip xử lý riêng dành cho các thiết bị di động. Họ ước tính thiệt hại 10 tỷ USD, nhưng cho rằng tới năm 2021 sẽ tự chủ về công nghệ, và khi đó, Mỹ mới là bên chịu tổn thất, đặc biệt là tụt hậu về 5G so với thế giới.
Việt Nam thử nghiệm mạng 5G
Thử nghiệm 5G trong năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là quyết tâm của ngành ICT để Việt Nam không còn đi sau mà sẽ đi cùng với các nước dẫn đầu về 5G. Ngày 10/5, cuộc gọi thuộc mạng 5G đầu tiên đã được Viettel và Ericsson thực hiện tại Việt Nam trên một mẫu điện thoại Oppo. Đến tháng 9, Viettel bắt đầu thử nghiệm phát sóng 5G tại TP HCM.
Theo Hiệp hội Di động Thế giới (GSMA), Viettel là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công 5G. Với kế hoạch thương mại hóa vào năm 2020, Viettel sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu về triển khai 5G. Trong khi đó, tập đoàn VinGroup cũng tuyên bố sẽ nghiên cứu và sản xuất điện thoại và thiết bị viễn thông 5G trong năm tới.
Làn sóng mạng xã hội Việt quay trở lại
Hiện Việt Nam có tới 436 mạng xã hội nội địa, nhưng vẫn không thể thu hút người dùng như các dịch vụ nước ngoài. Sau cơn sốt của 9 năm trước với Go.vn, Yume, Tamtay…, cuộc đua phát triển mạng xã hội lại được thổi bùng trong năm nay khi các nhà quản lý bày tỏ mong muốn xây dựng các dịch vụ “made in Vietnam” để giành thị phần từ Facebook.
Tiêu biểu trong số đó là Gapo, ra mắt ngày 23/7, với mục tiêu tham vọng là 3 triệu thành viên vào đầu 2020 và cán mốc 50 triệu người dùng cuối năm 2021. Gương mặt nổi bật thứ hai là Lotus, được công bố ngày 16/9, cùng chiến lược xây dựng mạng xã hội xoay quanh nội dung, người tham gia tương tác sẽ kiếm được token để tặng hoặc đổi thành các món đồ trong đời thực. Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng đến 2022, số người dùng mạng xã hội Việt sẽ bằng hoặc vượt mức 60 triệu tài khoản Facebook tại Việt Nam, chiếm 60-70% thị phần.
Google và Facebook bị siết chặt quản lý
Năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube. Lợi nhuận từ thị trường Việt Nam đem lại cho các dịch vụ này tăng hàng năm, trong đó không ít nguồn tiền từ Việt Nam chi trả cho các dịch vụ bất hợp pháp như đặt quảng cáo trên các video xấu độc, có nội dung vi phạm… Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết Google đã hợp tác gỡ bỏ gần 8.000 clip xấu độc theo yêu cầu. Facebook xóa 208 trong số 211 tài khoản giả mạo, hơn 2.400 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, nhà nước, gỡ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc.
Cũng trong năm 2019, trên YouTube xuất hiện các tài khoản “giang hồ mạng” như Khá “Bảnh”, Dương Minh Tuyền… chia sẻ video đòi nợ, cờ bạc nhưng thu hút hàng triệu lượt theo dõi và kiếm được cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Cơ quan chức năng đã phối hợp với YouTube khóa những kênh này để hạn chế nguy cơ lây lan các hành vi “lệch chuẩn”, gây hiệu ứng xấu trong cộng đồng.
Các hãng công nghệ nghe lén người dùng
Năm 2019 tiếp tục “nóng” về bảo mật dữ liệu cá nhân, trong đó có scandal các hãng công nghệ lớn ghi âm cuộc trò chuyện của người dùng với trợ lý ảo mà họ không hề hay biết. Từ tháng 4, Bloomberg đưa tin Amazon sử dụng hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu trực tiếp nghe các hội thoại giữa người dùng và phần mềm Alexa. Đến tháng 7, kênh truyền hình VRT NWS cho biết Google thuê đối tác ghi chép nội dung âm thanh mà trợ lý ảo Assistant thu được từ người dùng, trong đó có cả những thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ… Cũng trong tháng này, Apple bị phát hiện thuê đối tác nghe và đánh giá ghi âm thu được từ trợ lý ảo Siri. Đến tháng 8, báo cáo từ Vice cho thấy Microsoft đã trả công 12-14 USD mỗi giờ cho nhà thầu để nghe hội thoại được ghi từ Xbox và Skype. Tương tự, Facebook cũng trả tiền cho hàng trăm đối tác để chuyển các hội thoại âm thanh thành văn bản, trong đó “có rất nhiều từ ngữ nhạy cảm”.
Tất cả các nhà cung cấp trợ lý ảo đều khẳng định việc nghe bản thu âm là để “xây dựng, huấn luyện và cải thiện tính chính xác” của phương pháp xử lý tự động. Họ cũng đều tuyên bố đã ngừng chương trình này sau khi bị phát hiện và không có kế hoạch để bắt đầu lại.
Điện thoại màn hình gập được thương mại hóa
Với nỗ lực tăng diện tích hiển thị cho smartphone nhưng vẫn đảm bảo tính di động, các nhà sản xuất đã ứng dụng nhiều cách như cho ra đời điện thoại tràn viền với màn hình “tai thỏ”, “giọt nước”, camera “thò thụt”… Tuy nhiên, điện thoại màn hình gập mới được cho là tương lai của smartphone.
Dù Royole, nhà sản xuất Trung Quốc, đã nổ “phát súng” đầu tiên với Flexpai từ cuối 2018, smartphone gập chỉ thực sự được thương mại hóa trong năm nay. Qua nhiều lần trì hoãn, sửa đổi thiết kế, Samsung cuối cùng cũng bán Galaxy Fold từ tháng 9 với giá 1.980 USD. Dù không được cài sẵn ứng dụng Google, Huawei Mate X giá 2.600 USD vẫn được chào đón tại thị trường Trung Quốc. Motorola cũng hồi sinh mẫu điện thoại huyền thoại Razr bằng cách trang bị cho sản phẩm màn hình gập đôi cùng mức giá 1.499 USD, dù mới chỉ được bán tại Mỹ. Trong số những sản phẩm này, hiện chỉ có Galaxy Fold được phân phối chính hãng tại Việt Nam với giá 50 triệu đồng.
Tuy vậy, giới phân tích nhận định điện thoại màn hình gập vẫn chỉ là dòng sản phẩm “ngách”, với doanh số ước tính 30 triệu máy, chiếm 5% trong phân khúc điện thoại cao cấp, vào năm 2023. “Ngoài vấn đề màn hình, mức giá, dù sẽ giảm theo thời gian, cũng là rào cản lớn. Giá trung bình hiện tại tầm 2.000 USD khiến người mua lưỡng lự, kể cả với những người sẵn sàng đón nhận công nghệ mới”, hãng phân tích Gartner đánh giá.
Châu An – Vnexpress