17 năm sống với hai bệnh ung thư

Chị Hán Thị Hiển ung thư dạ dày, từng bỏ điều trị để dồn tiền chữa bệnh xơ gan cho chồng. Sáu năm sau chị mắc loại ung thư khác.  

“Ban đầu khi biết ung thư, tôi đau đớn và tuyệt vọng đến nỗi tin có thể chữa khỏi bệnh của mình bằng cách đào khối u lên. Ngày qua ngày, khối u bị loét và rỗng to đến mức nhét vừa cục bông to bằng cổ tay. Tôi phải dùng bỉm để thấm dịch từ khối u rồi dùng cồn rửa để tránh bị nhiễm trùng, gần một năm”, chị Hán Thị Hiển, nay 44 tuổi, kể.

Nói rồi, chị tìm lục lại tấm hình cũ, có chồng, con và gia đình hạnh phúc. Không ai nghĩ, chỉ trong vài năm, chị phải trải qua nhiều nỗi đau bệnh tật và mất mát người thân đến vậy.

Con đầu tròn 4 tuổi, chị Hiển sinh bé thứ hai năm 1999. Hai năm sau, bé mất do mắc bệnh tim bẩm sinh. Thời gian qua đi, nỗi đau vơi bớt, chị tự nhủ phải khỏe mạnh để sống tiếp. Năm 2002, chị sinh bé thứ ba nhưng bé bị sặc nước ối và mất sau vài ngày chào đời. 

Kể từ đó là chuỗi ngày chị Hiển ốm triền miên nhưng không tìm ra bệnh.  

Chị Hán Thị Hiển 44 tuổi, sống 17 năm với hai bệnh ung thư vú và ung thư dạ dày. Ảnh: Thùy An
Chị Hán Thị Hiển sống 17 năm với hai bệnh ung thư vú và ung thư dạ dày. Ảnh: Thùy An.

Năm 2004, chị bị nôn ra máu, đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để khám. Kết quả nội soi kết luận bị ung thư bờ cong nhỏ dạ dày. Chị ốm dài, huyết áp tụt, phải đi cấp cứu nhiều lần, tuân thủ đơn thuốc và chỉ định điều trị của bác sĩ nhưng bệnh không giảm nhiều.

“Ngày đó, thông tin đến với mình còn ít, thay vì lo lắng thì tôi mừng nhiều hơn vì cuối cùng cũng tìm được ra bệnh để điều trị đúng hướng”, chị nói.

Nhờ đó, chị Hiển vô tư tiếp nhận và điều trị theo phác đồ của bệnh viện. Bác sĩ cắt 4/5 dạ dày và hướng dẫn ăn uống, ăn chậm nhai kỹ, ăn nhiều rau quả và chia thành nhiều bữa trong ngày. Ngoài viêm và xung huyết thì các chỉ số vẫn duy trì khá ổn định.

“Bác sĩ nói tôi chỉ có thể sống được ba đến sáu tháng nhưng thật may là một năm cũng qua. Chỉ tiếc là số phận như trêu đùa. Hai năm sau, tôi phát hiện một cái hạch nhỏ ngực. Lần này tôi trăn trở và lo lắng rất nhiều, nghĩ mình có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo khác”, vừa nói tay chị để lên ngực. Sau đó, kết quả chị bị ung thư vú di căn hạch thượng đòn, phải phẫu thuật cắt một bên ngực trái.

Thời gian này, biến cố ập đến với hạnh phúc nhỏ của chị. Chồng bị bệnh xơ gan cổ trướng, giai đoạn muộn. 

“Khi đó, tôi quyết định dừng điều trị ung thư cho mình để dồn hết tâm trí, tiền bạc chăm sóc chồng. Tôi muốn anh được sống, bằng mọi giá. Ba năm điều trị, tháng 12/2009 thì anh mất. Ai cũng nghĩ sắp đến lượt tôi, thời gian sống của tôi cũng chẳng còn nhiều”, chị nói.

Chị ví cuộc đời mình là chuỗi ngày bất hạnh khi mất đi chỗ dựa là chồng và con. Hai mắt đỏ hoe, chị nói mình gần như không còn lối thoát khi phải gồng mình chống chọi với hai bệnh ung thư vú và dạ dày.

Thời gian rảnh, chị đi bộ, tập thể dục, chơi cầu lông ở công viên gần nhà để tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ. Ảnh: Thùy An
Thời gian rảnh, chị Hiển đi bộ, tập thể dục, chơi cầu lông để tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ. Ảnh: Thùy An

Năm 2010, bệnh chị trở nặng, phải trải qua nhiều ca phẫu thuật, xạ trị, truyền hóa chất. Sức khỏe yếu nên chị không được về nhà sau mỗi lần xạ trị. Chị và cậu con trai 15 tuổi nương tựa vào nhau sống qua ngày. 

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, nguyên bác sĩ Bệnh viện K, trực tiếp điều trị cho chị Hiển, cho biết hai bệnh ung thư của chị hoàn toàn khác biệt, không liên quan và không phải bệnh nọ dẫn đến bệnh kia. Ung thư dạ dày nên sức khỏe bệnh nhân yếu, hệ miễn dịch giảm, nguy cơ gặp biến chứng cao hơn người mắc một bệnh. 

Trong quá trình điều trị, chị Hiển từng bỏ dở điều trị để chăm sóc chồng khiến khối u vỡ loét, đau đớn nhưng chị chưa bao giờ hối hận về quyết định này. “Nếu sống cho riêng mình thì ngay ngày mai phải đầu hàng số phận, tôi cũng không hối tiếc. Vì con, tôi tự nhủ phải sống thật tốt mỗi ngày vì cứ qua một ngày thì sẽ có tiếp ngày mai. Chỉ có một ngày được sống đã là hạnh phúc rồi”, chị Hiển nói.

Theo bác sĩ Hương, chị Hiển là bệnh nhân ung thư đã hồi sinh và trở về cuộc sống bình thường sau 17 năm điều trị, là kết quả của phối hợp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và chăm sóc tâm lý. Đây cũng là bệnh nhân điển hình mà bác sĩ vẫn giữ liên lạc và thường xuyên dặn dò.

Đặc biệt, cứ vào đêm giao thừa, bác sĩ Hương lại mừng rỡ nhận được tin nhắn “mừng tuổi mới” từ bệnh nhân Hiển. “Đó vừa là niềm vui, hạnh phúc vừa là động lực cổ vũ chúng tôi ngày càng vững tay nghề để cứu chữa nhiều bệnh nhân hơn nữa”, bác sĩ nói.

Chị Hiển nhận chăm sóc tại nhà cho người già từ bữa ăn, giặt giũ để trang trải thêm viện phí và chăm sóc gia đình. Ảnh: Thùy An
Chị Hiển nhận chăm sóc tại nhà cho người già từ bữa ăn, giặt giũ để trang trải thêm viện phí và chăm sóc gia đình. Ảnh: Thùy An

Thời gian rảnh, chị Hiển còn tìm đến những người bạn ung thư trong các câu lạc bộ cuộc chiến ung thư, cuộc chiến thầm lặng để có thêm niềm vui sống. “Ở đây mọi người như một gia đình, dù cùng đau một nỗi đau chung nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ cuộc”, chị nói. 

Bà Dư Dung 56 tuổi, cũng “bắt” căn bệnh ung thư tuyến giáp của mình nằm im 36 năm. Bà Dung và chị Hiển quen nhau hơn một năm từ câu lạc bộ Hoàng hôn tím, dành cho bệnh nhân ung thư, có chừng 50 người từ Bắc vào Nam. “Tính tôi ít để ý đến đời tư của ai nhưng riêng Hiển là người phụ nữ nỗ lực, hiền lành, chăm chỉ nên tôi rất quý. Nhìn cách cô ấy cười, tôi thấy được sự yêu đời và khát khao sống lớn đến nhường nào. Hiện tại, bệnh tình của Hiển ổn định hơn, tôi cũng mừng”, bà Dung nói. 

Theo bà Dung, chị Hiển, bệnh nhân ung thư phải học cách chấp nhận sự thật rằng mình sẽ chết, thậm chí thời gian chỉ tính theo tháng ngày. Song, “nhìn được đích sớm hơn không đồng nghĩa với bỏ cuộc”, người bệnh phải lấy tinh thần làm thuốc, giữ năng lượng, ăn uống, tập thể dục và tin tưởng vào bác sĩ để kéo dài sự sống của mình.

“Ai cũng sợ ung thư nhưng khi bị bệnh, bạn nên chấp nhận rằng bệnh đang sống cùng với mình, không được để nó lấn át hay uy hiếp. Giống như ngôi nhà có khách và chủ. Mình là chủ, bệnh ung thư là khách mà khách phải tuân thủ mọi quy định của chủ nhà”, chị Hiển bật cười ví von. “Nhiều lúc, tôi quên mất mình mắc bệnh”. 

Chị Hiển duy trì khám định kỳ một năm ba lần và thường xuyên giữ liên lạc với bác sĩ để chăm sóc sức khỏe của mình. 

Chiều buông, người phụ nữ tất bật từ chỗ làm về nhà chuẩn bị bữa cơm chiều. Với chị, bữa cơm gia đình là thời gian hạnh phúc nhất trong ngày mà chị chẳng bao giờ muốn bỏ lỡ. 

“Tôi đã không còn trách cuộc đời bất công với mình. Thay vào đó, tôi dành cho những suy nghĩ tích cực để nếu chỉ còn một ngày để sống cũng sẽ là ngày trọn vẹn nhất của cuộc đời”, chị Hiển trải lòng.

Thùy An – Vnexpress